Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

QĐND - Phía sau nụ cười rạng rỡ trên gương mặt các phi công Trung đoàn 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) mỗi khi hoàn thành bài bay huấn luyện, ngoài bản lĩnh, sự tự tin, dũng cảm…, còn phải kể đến sự góp sức của hậu phương, giúp những cánh bay thêm vút cao giữa bầu trời xanh...

Nhân lên hạnh phúc, niềm vui

Tay lướt nhanh trên màn hình chiếc Ipad, Thiếu tá phi công Nguyễn Trường Nam, Chính trị viên Phi đội 1, Trung đoàn 923 khoe với chúng tôi: “Đây là con gái lớn Nguyễn Song Thương, cháu học lớp 4. Cháu vừa giúp mẹ trông em, vừa học bài…”.

Chuyện Thiếu tá Nguyễn Trường Nam “báo cáo” kết quả sau mỗi buổi bay huấn luyện, nghe hai cô con gái khoe thành tích học tập trên lớp, phụ giúp mẹ công việc nhà qua… điện thoại và hình ảnh không còn lạ với đồng đội.

Cũng như phi công Nguyễn Trường Nam, khuôn mặt Đại úy, phi công Đỗ Trung Dũng, Biên đội trưởng thuộc Phi đội 1 ánh lên niềm vui cùng nụ cười rạng rỡ: “Mình lên chức bố vừa tròn 5 tháng. Rất “thèm” được nghe tiếng cu cậu gọi “ba” qua điện thoại”.

Chuyện vợ con, gia đình, kinh nghiệm nuôi con cái được các phi công kể cho nhau, động viên nhau một cách rất tự nhiên, đầm ấm, gắn bó…


Thiếu tá phi công Nguyễn Trường Nam và Đại úy phi công Đỗ Trung Dũng chia sẻ chuyện gia đình.

“Điểm tựa” hậu phương

- Vợ chồng xây dựng với nhau đã được gần 12 năm, nhưng chỉ có ngót 4 năm được gần nhau, đó là khoảng thời gian tôi công tác tại Trung đoàn 931, Sư đoàn 371, còn lại hầu hết ở “hai đầu nỗi nhớ” - phi công Nguyễn Trường Nam tâm sự.

Vợ anh là cô gái cùng làng Phan Thị Huế. Từ khi Huế nhận lời yêu Nam, đến khi cả hai chính thức nên duyên vợ chồng kéo dài tới… 11 năm. Thấy tôi dường như không tin về khoảng thời gian yêu dài như vậy, anh Nam chỉ tủm tỉm cười. Gặng hỏi mãi, tôi mới được anh bật mí: Bố mẹ cô ấy rất hài lòng về chàng rể tương lai, nhưng lại e dè khi biết mình là phi công chuyên “cưỡi mây đạp gió”, nhiều hiểm nguy. Thuyết phục bố mẹ Huế, rồi thuyết phục bố mẹ mình thuận tình đồng ý cho hai người nên duyên, cộng với khoảng thời gian yêu nhau vừa tròn… 11 năm.

Do nhiệm vụ công tác, thời gian vợ chồng gần nhau chỉ tính bằng ngày, giờ, còn lại là khoảng thời gian xa cách. Hai cô con gái ra đời, mọi gánh nặng chăm sóc, bảo ban con học hành, lo toan “đối nội, đối ngoại”, một tay người vợ thu vén chu toàn. Yêu anh bằng một tình yêu vô bờ, chị không muốn bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến công việc của anh, bởi chị biết, tinh thần và tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của một phi công. Chị nhớ, cách đây 5 năm, đúng thời điểm anh được đơn vị cử đi học chuyển loại lái máy bay Su-30. Anh đi học chuyển loại chỉ một thời gian ngắn, lo cho sức khỏe của mẹ, chị không giữ được bình tĩnh, nửa đêm hốt hoảng gọi điện cho anh: “Mẹ vừa qua cơn nguy kịch”. Ngay sau cuộc điện thoại đó, chị lại quay ra tự trách mình đã không bình tĩnh xử lý mà lại gọi cho anh, sợ anh phân tâm trong thực hiện nhiệm vụ. Những ngày sau, ngày nào chị cũng gọi điện thông báo tình hình sức khỏe của mẹ, động viên anh tập trung thực hiện nhiệm vụ.

Một năm sau, kết thúc đợt huấn luyện chuyển loại, về thăm gia đình, mẹ anh đã bình phục, vợ con lại đón anh bằng nụ cười yêu thương nhất. Khó khăn, vất vả trong cuộc sống khi không có anh hằng ngày ở bên, nhưng chị Huế chưa một lời hờn trách, mà chỉ đong đầy yêu thương: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn tự hào về chồng mình, về nhiệm vụ đặc biệt của anh và đồng đội. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi không có thời gian để giận nhau, vì giận thì… mất thời gian lắm, lại dễ ảnh hưởng tới tâm lý, đến thực hiện nhiệm vụ!”.
Lên chức bố mới được 5 tháng, niềm hạnh phúc luôn tỏa rạng trên gương mặt Đại úy phi công Đỗ Trung Dũng. Đồng đội ai cũng vui mừng và luôn động viên anh, bởi mọi người biết, phía sau niềm vui, hạnh phúc đó là những băn khoăn, trăn trở. Anh lo lắng cho người cha bị tai biến 7 năm về trước, hiện bệnh tình ngày càng nặng; chăm sóc cha chỉ có mẹ già, vợ con anh lại ở xa...

Đối với mỗi phi công, ngoài tinh thần “ham bay, say học” thì bản lĩnh "thép" cũng là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Và có lẽ, những người vợ của họ cũng phần nào được tôi luyện bản lĩnh đó. Thượng úy Đỗ Toàn Thịnh bộc bạch: “Như vợ chồng tôi cưới nhau chưa kịp bén hơi, sau hai ngày tôi đã phải xách ba lô lên đơn vị nhận nhiệm vụ”. Tình yêu của hai người tiếp tục được vun vén và thử thách qua thời gian và không gian. Rồi vợ có bầu, sinh em bé chỉ có ông bà đỡ đần, khi con được 3 tháng tuổi, bố con mới được gặp nhau lần đầu. Nhiều lúc vợ chồng trêu đùa nhau: Mình giống vợ chồng ngâu!
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người vợ nơi hậu phương và giúp các chị thêm hiểu về công việc của chồng, hằng năm, đơn vị đều tạo điều kiện để các chị lên “thực mục sở thị” nơi ăn ở, học tập, rèn luyện của các anh. Mỗi dịp lên thăm như thế, chứng kiến cường độ luyện tập, khối lượng công việc các anh phải đảm nhiệm hằng ngày, các chị lại cảm thấy những khó khăn, vất vả nơi hậu phương chưa thấm tháp gì. Hiểu các anh, yêu các anh bởi những người vợ phi công luôn hiểu: Tình yêu các anh dành cho gia đình, vợ con, người thân luôn song hành cùng tình yêu bầu trời của Tổ quốc.

Bài và ảnh: KIM ANH


0 nhận xét:

Đăng nhận xét