Một trong những nguyên nhân khiến kết quả thực kiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2012 chỉ là 65%, trong khi con số này năm 2011 là 75% đã được Vụ trưởng Vụ tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước) Đào Văn Dũng tại buổi họp báo công bố kết quả Kiểm toán năm 2013 lý giải là do hầu hết rơi vào các địa phương khó khăn về tài chính chưa có nguồn chi trả.
Điều này không chỉ là hệ quả của việc nền kinh tế khó khăn nên các khoản thu của địa phương giảm mà còn chính từ việc còn quá nhiều các địa phương sử dụng nguồn, chi không đúng mục đích và kém hiệu quả trong khi không có nguồn đảm bảo. Kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012 cho thấy một số địa phương hụt thu nhưng không thực hiện triệt để rà soát nhiệm vụ chi, chi bổ sung nhiệm vụ chi ngoài dự toán không thực sự cấp bách. 31/34 tỉnh thành phố được kiểm toán vượt chi dự toán thường xuyên được Hội đồng nhân dân giao đầu năm, trong đó 20 tỉnh chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể tăng vượt mức trên 30%. 596 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn cải cách tiền lương dự phòng đã được dùng bổ sung chi thường xuyên sai quy định. Việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn xảy ra phổ biến tại các địa phương 34/34 tỉnh thành được kiểm tra với 648 tỷ đồng. 26/34 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí, trong đó có một số địa phương để… bù hụt thu ngân sách như An Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk. “Việc sử dụng sai kinh phí của một số địa phương trong khi không còn kết dư ngân sách, dẫn đến một số nhiệm vụ chi chưa được thực hiện nhưng không có nguồn đảm bảo sẽ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội địa phương trong những năm tiếp theo”, ông Dũng đề cập trong bài phát biểu về báo cáo Kiểm toán năm 2013. Ví như tỉnh Đồng Tháp, chi sai 38,502 tỷ đồng trong đó 32,463 tỷ đồng là ngân sách cấp huyện. Một số địa phương không còn kết dư ngân sách hoặc kết dư ngân sách nhỏ, nhưng cần phải có một nguồn lớn để bố trí dự toán trả nợ xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản tạm ứng ngoài dự toán, hoàn trả các nguồn kinh phí đã bị sử dụng sai, chi chuyển nguồn các nhiệm vụ chi chưa có nguồn đảm bảo. Trong khi nguồn thu của ngân sách địa phương hạn hẹp sẽ khiến việc sắp xếp, bố trí dự toán trong các năm tiếp theo gặp nhiều khó khăn, chưa kể các khoản nợ vay theo khoản 3, điều 8 Luật NSNN cũng cần bố trí trả nợ hàng năm. Điển hình là Lâm Đồng, kết dư ngân sách là một con số 0, trong khi phải bố trí dự toán để thu hồi hoàn trả các khoản ứng trước dự toán và sử dụng sai nguồn là 557,03 tỷ đồng, dư nợ vay theo khoản 3, điều 8 Luật NSNN là 212,25 tỷ đồng. Với Ninh Bình chỉ kết dư ngân sách được 37,42 tỷ đồng, trong khi cần bố trí hoàn trả nguồn 419 tỷ đồng, nợ đọng xây dựng cơ bản (không kể nguồn TPCP) là 2.400 tỷ đồng, ứng trươc kế hoạch vốn 1.328,22 tỷ đồng. Kiểm toán cũng cho thấy số tạm ứng chưa có biện pháp thu hồi 177,4 tỷ đồng, trong đó 160 tỷ đồng cho Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch Tràng An và 571 tỷ đồng dư nợ vay theo khoản 3, điều 8 Luật NSNN. Việc cho vay, tạm ứng sai quy định, cho vay tạm ứng kéo dài nhiều năm chậm thu hồi xảy ra ở hầu hết các địa phương được kiểm toán. Trong đó cho vay, tạm ứng sau là 752 tỷ đồng, 4.100 tỷ đồng khác đã được các địa phương cho vay tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi trong khi NSNN vẫn phải đi vay và trả lãi… Theo kết quả kiểm toán 2012, nợ công là bằng 55,7% GDP trong khi năm 2011 là 54,9% GDP. Mức này được đánh giá vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách Quốc hội - Bùi Đặng Dũng cho biết, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều cách tính khác nhau về nợ công. Tính chính xác của con số nợ công cũng khó kiểm định khi nợ công vẫn do nhiều cơ quan quản lý mà chưa được quản lý thống nhất về một đầu mối. M.N |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét