Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

VOV.VN -Công tác di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở còn gặp nhiêu khê do thiếu kinh phí và nhiều hộ chưa tự giác chấp hành việc di dời.

Bước vào mùa mưa lũ năm nay, tình trạng sạt lở liên tiếp xảy ra tại nhiều nơi trong tỉnh Hậu Giang. Để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương tiến hành di dời dân ra khỏi những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên công tác này vẫn còn lắm nhiêu khê do nhiều nguyên nhân.


Các hộ dân ở Doi Tân Thới Hòa tự cắm cọc làm bờ kè

Ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra vào tháng 5 vừa qua tại Doi Tân Thới Hòa, khu vực 3 phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo các ngành hữu quan tiến hành kiểm tra, thẩm định nơi xảy ra sạt lở, sau đó tiến hành di dời khẩn cấp 13 hộ dân ở đây ra khởi khu vực sạt lở với tổng số tiền hỗ trợ 3,2 tỷ đồng, bên cạnh đó có 3 hộ cũng đã kiểm tra, thẩm định xong, chuẩn bị di dời trong tháng tới.

Ông Nguyễn Văn Bâu, một trong 3 hộ chuẩn bị di dời cho biết: Gia đình ông được hỗ trợ hơn 370 triệu đồng. Vài ngày tới khi nhận được tiền hỗ trợ , ông sẽ tiến hành di dời ngay.

Bên cạnh việc tổ chức di dời dân ra khỏi vùng sạt lở của các địa phương, thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 1776 của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn Hậu Giang cũng đã thẩm định di dời xong 45 hộ dân đang sinh sống tại các tuyến sông, kênh, lưu vực có dòng chảy lớn, có nguy cơ sạt lở cao gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, điều kiện sản xuất và sinh hoạt của người dân thuộc huyện Phụng Hiệp, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; còn lại 15 hộ ở huyện Châu Thành A cũng đã được thẩm định chuẩn bị di dời trong vài ngày tới.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên công tác di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đối với tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiêu khê do thiếu kinh phí và điều đáng nói hơn là có nhiều hộ chưa tự giác chấp hành việc di dời.


13 hộ dân đã di dời khỏi nơi sạt lở ở Doi Tân Thới Hòa- thị xã Ngã Bảy

Cụ thể như tại Doi Tân Thới Hòa, thị xã Ngã Bảy, ngoài 16 hộ đồng ý di dời như vừa nêu thì hiện vẫn còn 6 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm chưa chịu di dời. Những hộ này đề nghị địa phương bỏ tiền để xây bờ kè chống sạt lở và trong thời gian trông chờ địa phương thì họ tự bỏ tiền ra làm kè chống đỡ tạm bợ.

Bà Huỳnh Thị Hằng, một trong những hộ đang ở tại Doi Tân Thới Hòa Thị cho biết gia đình bà làm nhà tạm hết 20 triệu đồng, giờ bị hỏng nên làm lại. Ban đêm ngủ cũng sợ sạt lở văng xuống sông, nhưng đành chấp nhận.

Sợ sạt lở nhưng kiên quyết không đi, những hộ dân này lý giải vì lo đến nơi ở mới không được thuận lợi như ở chỗ cũ, nhất là trong việc buôn bán để mưu sinh. Tương tự như vậy, tại kinh xáng Nàng Mau, ấp Thạnh lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp nơi xảy ra vụ sạt lở vào sáng ngày 7/6 vừa qua, đến nay cũng chỉ có 2 hộ chịu di dời còn 5 hộ kiên quyết ở lại dù các căn nhà nơi đây đã sạt lở mất một phần, phần còn lại có nguy cơ đổ sụp xuống sông bất cứ lúc nào.


Những hộ dân ở kinh xáng Nàng Mau, ấp Thạnh lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp chưa di dời

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết: “Đối với khu vực này, trước đây họ quen tập quán buôn bán, chính vì vậy họ muốn ở lại tiếp tục buôn bán, mặc dù phần sau các căn hộ đã sạt lở, được cắm biển báo. Phía địa phương kiên quyết di dời các hộ này qua nơi an toàn, tránh nguy cơ sạt lở”.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh Hậu Giang đã có gần 20 điểm xảy ra sạt lở. Hiện tại trên địa bàn tỉnh còn hơn 110 điểm có nguy cơ sạt lở, với chiều dài hơn 6,6km, tập trung nhiều trên các tuyến sông như Cái Côn, Mái Dầm, Cái Dầu, Ngã Sáu….

Để giải quyết tình trạng này, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét trích khoảng 800 tỷ đồng từ Quỹ kinh phí dự phòng thiên tai để hỗ trợ dân di dời, cũng như đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở kiên cố ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Thiết nghĩ, ngoài việc tìm nguồn kinh phí để chống sạt lở, các ban ngành hữu quan ở tỉnh Hậu Giang cũng cần tập trung tuyên truyền để người dân ở nơi sạt lở nhận thức rõ sự nguy hiểm khi sạt lở xảy ra, từ đó có ý thức tự giác di dời, nhất là phải có những biện pháp kiên quyết hơn nữa đối với những hộ không chấp hành việc di dời ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở cao./.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét