Để người nghèo yên tâm trong mùa mưa bão, trong những năm qua MTTQ thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức vận động, huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để xây dựng hàng ngàn ngôi nhà Đại đoàn kết, được xem là mô hình tiêu biểu trong Phong trào xóa nhà tạm, xây dựng nhà Đại đoàn kết.
Đến cuối năm 2013, qua khảo sát điều tra toàn thị xã còn 340 hộ nghèo đang ở nhà tạm bợ dột nát, và 127 hộ cận nghèo đang ở nhà tạm nhưng hoàn cảnh rất khó khăn không thể tự vươn lên xóa nhà ở tạm, và là những hộ có nguy cơ tái nghèo năm 2014 nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã đến năm 2015 hoàn thành chỉ tiêu xóa xong nhà ở tạm cho hộ nghèo, trong khi nguồn hỗ trợ theo Quyết định 167 chưa thể thực hiện được trong năm 2014. Đây là một thách thức không nhỏ cho cả hệ thống chính trị thị xã Sông Cầu. Ngày 18-11-2013, Thường trực Mặt trận thị xã có Tờ trình số 33 trình Thường trực Thị ủy cho chủ trương Ủy ban Mặt trận thị xã phát động mỗi khu dân cư huy động đóng góp xây dựng một nhà Đại đoàn kết cho các đối tượng hộ nghèo ở nhà tạm dột nát, ngày 24-12-2013 sau khi được Thường trực Thị ủy thống nhất chủ trương, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận thị xã triển khai đồng loạt tại 66 thôn, khu phố. Dân bàn, dân tự quyết, dân đóng góp, Ban công tác Mặt trận chủ trì huy động hỗ trợ, đây là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của công tác Mặt trận nói chung và phong trào xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo nói riêng. Xác định tầm quan trọng của việc "Dân bàn, dân tự quyết, dân đóng góp”, trước thời gian tổ chức họp dân Ban công tác Mặt trận, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn (khu phố) rà soát, lựa chọn 3 đối tượng bức xúc về nhà ở của thôn (khu phố) mình, nhờ thợ xây dựng lập bảng chiết tính xây dựng 1 ngôi nhà với diện tích khoảng 40m2 bảo đảm 3 cứng theo quy định của Bộ Xây dựng. Tiến hành họp dân tại từng khu dân cư, giới thiệu 3 hộ để nhân dân lựa chọn 1 hộ. Khi thống nhất đối tượng, Ban công tác Mặt trận thông qua bảng dự toán kinh phí xây dựng nhà ở, trong đó hộ gia đình tự lực phần nào, phần còn lại xin ý kiến nhân dân thống nhất cách hỗ trợ.Với phương pháp này đã huy động sự đóng góp của cộng đồng trong mỗi khu dân cư từ 10 – 15 triệu đồng. Để việc thành công, bản thân mỗi cán bộ Mặt trận phải nhận thức được đây là một trong những phương thức hoạt động chủ yếu của Mặt trận, việc xây dựng nhà Đại đoàn kết vừa là cơ hội tổ chức công tác Mặt trận, vừa là phong trào tập hợp đoàn kết nhân dân, thông qua đó xây dựng mối quan hệ gắn kết cộng đồng, xây dựng tình làng nghĩa xóm. Kết quả không chỉ là ngôi nhà mà còn là động lực thúc đẩy hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng chính là cách giúp đỡ thiết thực nhất đem lại cuộc sống mới cho người nghèo. Văn Nhất |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét