Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Vai trò của đồng tiền vững mạnh cũng như bài học về niềm tin trong cuộc đấu tranh tiền tệ - tài chính đã làm nên một thắng lợi vẻ vang trên mặt trận tiền tệ. Thắng lợi ấy đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của cả dân tộc, làm vẹn tròn hai tiếng “Độc lập” thiêng liêng.

Tuần lễ vàng - Sức mạnh lòng dân

Nắng tháng 8 nhuộm vàng trụ sở NHNN Việt Nam, làm nó nổi bật trên nền trời xanh của mùa thu Hà Nội. Những đường nét cổ kính của Nhà băng Đông Dương năm nào vẫn gợi lên lịch sử cách mạng hào hùng như một chứng nhân lịch sử của cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự ra đời của “Giấy bạc Cụ Hồ” năm xưa và công cuộc xây dựng, phát triển không ngừng của hệ thống các TCTD hôm nay.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam độc lập ra đời. Trong bối cảnh sơ khai của một nhà nước non trẻ, bước ra từ đói nghèo, xây dựng một nền tài chính vững mạnh là vấn đề then chốt, bảo đảm cho sự tồn tại của chính quyền nhân dân. Và quan trọng hơn, tiền còn là công cụ thể hiện chủ quyền quốc gia. Thế nhưng, khó khăn lớn của Chính quyền cách mạng ngày đó là nền tài chính mà thực dân Pháp để lại quá kiệt quệ - kho bạc trống rỗng, thuế chưa thu được. Bản thân Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp, có nghĩa việc phát hành giấy bạc Đông Dương vẫn nằm trong tay thực dân pháp. Trong khi đó, quân Tưởng tung tiền quan kim, quốc tệ ra thị trường làm rối loạn thêm nền tài chính…



Một cuộc mít tinh ủng hộ nền độc lập của bà con giáo dân tài Nhà thờ lớn Hà Nội

Khó khăn chồng chất với khó khăn, hai ngày sau khi tuyên bố độc lập, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra sắc lệnh “Tổ chức Quỹ độc lập” vận động nhân dân đóng góp trong “Tuần lễ vàng” từ 17-24/9/1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng ra kêu gọi đồng bào, chúng ta cần củng cố nền độc lập để chống lại dã tâm xâm lược của đế quốc Pháp, để làm được việc đó, chúng ta cần sức phấn đấu của “toàn quốc đồng bào", cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có.

Tuần lễ vàng chứng tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết: Trong khi các chiến sĩ quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương nhất là những nhà giàu có, cũng có thể đóng góp được chút vàng để phụng sự Tổ quốc.

Hưởng ứng sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Hà Nội đã diễn ra phong trào tự nguyện đóng góp tiền của, vàng, bạc… rất sôi nổi, từ những người lao động nghèo khổ đến những tư sản, điền chủ giàu có. Và chỉ sau một tuần lễ, nhân dân Thủ đô đã góp 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc, nhiều tiền bạc, hiện vật khác, tổng cộng giá trị trên 7 triệu đồng Đông Dương lúc bấy giờ.

Cũng trong tuần lễ lịch sử với ngành tài chính ấy, đồng bào cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyên góp được 20 triệu đồng tiền Đông Dương và 370 kg vàng. Số tiền ủng hộ của nhân dân cả nước đã giúp Chính phủ khắc phục những khó khăn về tài chính trước mắt, mua sắm thêm vũ khí chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến dài lâu.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến (*) cho rằng, đối với nhân dân ta lúc đó, lật đổ ách thống trị thực dân, giành lại độc lập là khát vọng cao nhất. Mọi tầng lớp đều sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, tài sản cho mục đích đó. Cái được lớn nhất, quý nhất ở đây chính là lòng dân. Đây là một biểu hiện cho cả ý chí của toàn dân giành độc lập tự do, cả lòng tin yêu của toàn dân đối với Chính phủ. Đây cũng là bài học vô cùng quý báu trong công tác kinh tế tài chính cũng như trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng, phải gắn bó giữa hai nguyên tắc: vì dân và do dân. Nếu chỉ nhấn mạnh nguyên tắc vì dân, mà coi nhẹ mặt do dân thì lấy gì để vì dân? Và ngược lại, muốn thực hiện tốt yêu cầu do dân thì phải thực hiện nghiêm túc yêu cầu vì dân.

Từ Bác Hồ đến chiến sĩ đều sống đồng cam cộng khổ. Đó là một trong những nhân tố rất quan trọng đảm bảo cho việc huy động được dễ dàng, thuận lợi. Dân hăng hái đóng góp vì dân biết đây là đóng góp cho chính mình… Có thể nói Tuần lễ vàng chính là một kỳ tích trong những ngày đầu của nước Việt Nam độc lập. Kỳ tích về sự hy sinh không có giới hạn. Chưa bao giờ người dân sẵn sàng hy sinh đến thế. Chưa bao giờ người dân và Chính phủ lại đồng lòng như thế.

Giấy bạc Cụ Hồ

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thời kỳ đó còn có một trận chiến khác, không tiếng súng, không xe tăng, không máy bay, âm thầm và lặng lẽ nhưng không kém phần ác liệt. Đó là cuộc chiến giành độc lập tiền tệ. Trong cuộc chiến đặc biệt này, nền tài chính Việt Nam vừa chào đời đã phải đương đầu với những người “khổng lồ” với hệ thống quyền lực đã tồn tại hàng trăm năm của các nước tư bản châu Âu…

Những ngày đầu mới giành độc lập, Ngân hàng Đông Dương buộc phải chấp nhận yêu cầu chuyển tiền cho ngân sách của Chính phủ mới căn cứ theo những tờ séc do ngân khố của Chính phủ Việt Nam chuyển sang. Thế nhưng, chỉ ngay sau khi quân Pháp gây chiến trở lại tại Nam bộ (10/1945), Ngân hàng Đông Dương đã ngừng chuyển tiền. Không những thế ngân hàng này còn lợi dụng để phát hành thêm tiền Đông Dương nhằm phá hoại nền tài chính non trẻ của Cách mạng Việt Nam… Yêu cầu phải có một đồng tiền riêng của nước Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.



Những gia đình thương gia ở Hà Nội xếp hàng góp Tuần lễ vàng

Để ứng phó, Chính phủ đã phê duyệt phương án vừa dập tiền kim loại, vừa in giấy bạc. Tuy nhiên, việc in giấy bạc còn phụ thuộc mẫu vẽ, nhà in... còn tiền kim loại thì đơn giản hơn nên được làm trước. Theo lời ông Trần Huy Bá (*), một chiều cuối năm Ất Dậu (1945), Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng đã đến gặp ông và đề nghị xem máy dập tiền trinh Bảo Đại, ông rất mừng khi thấy máy vẫn sử dụng tốt.

Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, Bộ trưởng yêu cầu: Loại tiền đầu tiên ta sẽ dập là đồng 5 hào, chất liệu nhôm. Hình ảnh mặt thứ nhất là cái đỉnh vàng. Xung quanh phía trên có sáu chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Dưới chân đỉnh có số 1946. Mặt sau đồng tiền có hình ngôi sao năm cánh. Trong nền sao có chữ 5 hào. Năm khe cánh của ngôi sao khắc năm cái triện quả trám. Ở cạnh rìa xung quanh đồng tiền có khía răng cưa. Sau đó, xưởng dập tiền được lệnh làm mẫu loại 1 đồng. Đồng này có một mặt in ảnh nghiêng của Bác Hồ, xung quanh có sáu chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Mặt sau là hình bông lúa, số 1946 và vành cũng có răng cưa. Những đồng tiền cách mạng đầu tiên đã ra đời và kịp đưa vào cuộc sống phục vụ kháng chiến...

Bên cạnh việc đúc tiền xu thì công tác in và phát hành tiền đồng Việt Nam cũng được chuẩn bị tích cực và bí mật. Hai máy in tiền, một của hãng Taupin, một của hãng Extreme-Orient được mua để dự phòng lẫn nhau. Nhà máy giấy Đáp Cầu được chuẩn bị để sản xuất giấy in tiền. Theo họa sĩ Nguyễn Huyến (*) thì hai mươi người thợ vẽ được phiên chế thành 4 tổ: tổ vẽ giấy bạc 1 đồng, tổ vẽ giấy bạc 5 đồng, tổ vẽ giấy bạc 20 đồng và tổ vẽ mẫu 100 đồng. Để vẽ giấy bạc 100 đồng họa sĩ Nguyễn Huyến đã về làng Láng để quan sát một con trâu trong tư thế đang gặm cỏ. Từng cái xoáy lông trâu được họa sĩ thể hiện một cách sống động đến nỗi người dân sau này gọi vui là tờ bạc con trâu xanh…

Một nền tài chính độc lập ra đời

Tháng 10/1945, những đồng tiền giấy Việt Nam đầu tiên đã xuất xưởng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho dập tiền nhôm với các loại mệnh giá 2 hào và 5 hào. Tiền giấy in ra được chuyển vào Nam Trung bộ để phát hành và ngày mùng hai tết Bính Tuất (31/1/1946), giấy bạc Việt Nam chính thức có mặt và lưu hành trong hệ thống tiền tệ, song hành cùng với đồng bạc Đông Dương của Pháp và quan kim của quân đội Tưởng. Ngay khi cho lưu hành, đồng tiền kháng chiến không chỉ được sử dụng ở những vùng tự do mà còn dùng ở cả vùng địch chiếm đóng và lan ra cả vùng ven Sài Gòn - Gia Định…

Theo ông Lê Đình Khải (*) cố Phó vụ trưởng Vụ Kho quỹ NHNN Trung ương thì công tác phát hành tiền ta bắt đầu tiến hành ở cực Nam Trung bộ trước vì trong ấy quân Anh - Ấn chưa đến việc phát hành không gặp trở ngại. Với lòng thiết tha tin tưởng ở Đảng và Chính phủ, nhân dân miền Nam Trung bộ rất yêu quý đồng tiền Việt Nam do Chính phủ phát hành nên “Giấy bạc Cụ Hồ” được chuyển vào đến đâu đồng bào đem tiền Đông Dương của mình ra đổi hết đến đấy.





Một số mẫu tiền và tín phiếu do Chính phủ Việt Nam in trong thời kỳ đầu sau khi đất nước giành độc lập

Một trong những mốc son chói lọi đánh dấu sự trưởng thành và thống nhất của một nền tài chính độc lập là sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngày 6/5/1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Ngay sau khi thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, ngày 1/6/1951 ngân hàng chính thức phát hành các loại giấy bạc 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, đồng thời thu hồi dần các loại tiền do Bộ Tài chính phát hành trước đó.

Đây là sự kiện đánh dấu sự thống nhất một hệ thống tiền tệ duy nhất trên đất nước Việt Nam. Trong bài viết trên báo Nhân Dân số 9 ngày 20/5/1951, Tổng giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã khẳng định: “Phát hành giấy bạc Việt Nam là cốt giành cho Việt Nam một nền tiền tệ độc lập, để bảo vệ tài sản của nhân dân và của Quốc gia”.

Dân tộc Việt Nam còn phải trải qua hơn 20 năm chiến tranh với vô vàn xương máu mới thống nhất được đất nước. Thế nhưng, dù phải hứng chịu mưa bom, bão đạn chúng ta đã luôn khẳng định được một nền kinh tế - tài chính độc lập từ những ngày đầu tiên. Trong một trận đấu cân não với các thế lực tài chính quốc tế đầy mưu mô và có thừa các ngón đòn tiền tệ cùng sự hậu thuẫn mạnh mẽ về quân sự, chiến thắng đã thuộc về dân tộc Việt Nam yêu chuộng tự do, bình đẳng và bác ái.

Vai trò của đồng tiền vững mạnh cũng như bài học về niềm tin trong cuộc đấu tranh tiền tệ - tài chính đã làm nên một thắng lợi vẻ vang trên mặt trận tiền tệ. Thắng lợi ấy đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của cả dân tộc, làm vẹn tròn hai tiếng “Độc lập” thiêng liêng.

Viết tiếp bản hùng ca

Từ mùa thu lịch sử năm 1945, từ “Giấy bạc Cụ Hồ” đầu tiên khẳng định thêm sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, các thế hệ cán bộ ngân hàng hôm nay đã và đang viết tiếp bản anh hùng ca mà các thế hệ cha ông đã tốn bao xương máu để dựng xây. Và hơn lúc nào hết, trong tiến trình hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu, xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay NHNN càng chú trọng thực hiện nhiệm vụ, chức năng hàng đầu của một Ngân hàng Trung ương: ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, những năm qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, có sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, thị trường tiền tệ thời gian qua đã có những diễn biến tích cực: Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng ổn định, vị thế đồng Việt Nam ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Cùng với đó, dưới sự chỉ đạo của NHNN cả hệ thống ngân hàng đã, đang dồn sức cho công cuộc đổi mới toàn diện thông qua thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD. Các TCTD đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để tăng cường hơn nữa năng lực tài chính, năng lực quản lý, năng lực phòng chống rủi ro... Cả hệ thống đang triển khai chương trình tái cơ cấu một cách quyết liệt, áp dụng những chuẩn mực khắt khe hơn trong hoạt động kinh doanh nhằm tiến tới xây dựng những ngân hàng tầm khu vực. Sự vững vàng, lớn mạnh của hệ thống các TCTD sẽ góp phần nâng dần vị thế của VND lên tầm cao mới trên bản đồ tiền tệ thế giới.

Bản anh hùng ca đã và đang được những thế hệ cán bộ ngân hàng hôm nay, mai sau viết tiếp. Họ sẽ tiếp tục lao động và cống hiến hết mình để đồng hành cùng cả dân tộc vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của phát triển kinh tế phồn vinh và thịnh vượng. Và tôi tin trong bất cứ hoàn cảnh nào, những cán bộ ngân hàng sẽ luôn giữ vững hai tiếng “Độc lập” thiêng liêng. Một nền kinh tế - tài chính mạnh mẽ và độc lập đã và mãi là cái đích mà những người làm ngân hàng nói chung, làm kinh tế nói riêng hướng tới.

(*) lược ghi theo tập Hồi ký 40 mùa sen nở

Hà Đăng


0 nhận xét:

Đăng nhận xét